Số: 1059/SGDĐT-K V/v: Hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2018 - 2019

Cập nhật lúc: 15:08 04/09/2018

        UBND TỈNH ĐẮK LẮK

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

       

       Số: 1059/SGDĐT-KHTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự  do - Hạnh phúc

   Đắk Lắk, ngày 02 tháng 08 năm 2018

V/v: Hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2018 - 2019

 

                       

Kính gửi:

 

- Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;

- Các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố;

- Các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

                       

  Căn cứ Nghị quyết số: 18/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2016 – 2017 và mức thu học phí đào tạo cao đẳng, trung cấp tại các trường công lập trực thuộc tỉnh từ năm học 2016 - 2017  đến hết năm học 2020 – 2021;

 Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT - BGDĐT - BTC - BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Liên bộ về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021;

 Căn cứ Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ban hành Điều lệ hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh;

 Căn cứ Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT, ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

 Căn cứ Công văn số 5031/BGDĐT-KHTC, ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục;

 Căn cứ Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT, ngày 10/9/2012 về việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Căn cứ Quyết định số Quyết định số 1760/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân tại các cơ sở giáo dục đảm bảo đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực và chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2018 - 2019 như sau:

A. NGUYÊN TẮC CHUNG

Các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường trước khi ban hành.

2. Thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT, ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 61/2017/TT-BTC  ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và các văn bản quy định hiện hành.

3. Kế toán hạch toán riêng từng khoản thu và phản ánh vào các tài khoản đúng quy định đồng thời ghi chép vào sổ sách kế toán, tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm (đối với khoản thu hộ, chi hộ phải hạch toán vào tài khoản khoản phải thu, phải trả). Tuyệt đối không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho mục đích khác.

4. Ngoài các khoản thu nêu trong công văn này các cơ sở giáo dục tuyệt đối không được tự ý đặt ra thêm những khoản thu nào khác. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định.

B. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. Các khoản thu theo quy định

1. Đối với thu học phí

 - Thu theo Nghị quyết số: 18/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2016 – 2017 và mức thu học phí đào tạo cao đẳng, trung cấp tại các trường công lập trực thuộc tỉnh từ năm học 2016 - 2017  đến hết năm học 2020 – 2021, lưu ý cơ sở giáo dục đóng tại khu vực nào thì mức thu học phí theo khu vực đó đã quy định tại Nghị quyết;

- Học phí được thu định kỳ hàng tháng; không thu gộp một lần, nếu phụ huynh học sinh tự nguyện thì nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Học phí được thu 09 tháng/năm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông, 10 tháng đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp;

- Hóa đơn thu do ngành thuế phát hành, được tính doanh thu và phải thực hiện kê khai thuế theo đúng quy định. Toàn bộ các khoản thu phát sinh phải nộp vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch;

- Các đơn vị thực hiện nghiêm túc và kip thời về  đối tượng miễn, giảm học phí theo đúng Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT - BGDĐT - BTC - BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Liên bộ về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021;

- Sử dụng học phí:

+ Đơn vị sử dụng  40% số thu để thực hiện nguồn cải cách tiền lương theo quy định hiện hành;

+ Tạm thời trích 2% thuế thu nhập để nộp thuế (Nếu cơ quan thuế nơi đơn vị trực thuộc không thu thì có văn bản trả lời, đơn vị được sử dụng số tiền này);

+ Sử dụng 58% học phí còn lại để thực hiện chi theo Điều 14, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

+ Tuyệt đối không sử dụng nguồn thu học phí để thanh toán chi quản lý phí;

 + Quỹ học phí được sử dụng theo quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại Thông tư số 71/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính. và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP;

- Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở chất lượng dịch vụ và khả năng đóng góp của nhân dân trong vùng tuyển sinh, đồng thời cân đối được thu chi và có tích lũy để phát triển. Mức thu học phí phải đảm bảo tính đủ các chi phí cho các hoạt động chuyên môn của nhà trường (bao gồm cả kinh phí tổ chức thi THPT quốc gia đóng góp về các điểm thi), phải công khai mức thu học phí và chất lượng dịch vụ trước khi tuyển sinh; công khai tình hình thu chi, quản lý và sử dụng học phí theo quy định. Việc tăng mức thu học phí (nếu có) chỉ được thực hiện vào đầu năm học trước khi tuyển sinh.

2. Lệ phí tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, Trung học Chuyên nghiệp

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 40/2015/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 27/3/2015 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển ( lệ phí tuyển sinh) và các văn bản hướng dẫn hiện hành

3. Dạy thêm, học thêm

- Thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về dạy thêm và học thêm;

- Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 01/02/2013 về việc Ban hành Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

- Do đây là nguồn thu dịch vụ vì vậy các đơn vị phải nộp thuế thu nhập 2%  trên tổng số thu.

- Số còn lại 98% được chi như sau:

+ 80% chi trả cho giáo viên;

+ 10% chi trả cho công tác quản lý (tất cả những cá nhân có liên quan đến phục vụ, quản lý dạy thêm học thêm);

+ 10% chi tăng cường cơ sở vật chất;

Khuyến khích các cơ sở giáo dục nên có chủ trương miễn hoặc giảm tiền học thêm cho  học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc tại chổ có khó khăn về kinh tế.

 

4. Thu tiền lệ phí giữ xe

- Thu theo Nghị quyết số 117/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của HĐND tỉnh ban hành mức thu phi và lệ phí trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên khoản thu giữ xe không nằm trong danh mục thu phí, lệ phí theo Luật phí và lệ phí, do vậy các đơn vị phải nộp thuế thu nhập theo quy định, số tiền còn lại chi tiền công cho nhân viên trông giữ xe, các chi phí liên quan đến việc giữ xe và chi sữa chữa cải tạo nhà xe (nếu có).

II. Các khoản thu khác

1. Các khoản thu hộ trong nhà trường

1.1. Bảo hiểm y tế học sinh:

Đây là khoản thu bắt buộc do nhà trường tổ chức thu, thực hiện theo Nghị định số: 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính Phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế”; Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

1.2 Các khoản thu của các tổ chức hội, đoàn thể trong nhà trường

1.2.1. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Thực hiện theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khoản thu này do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu theo tinh thần tự nguyện, lưu ý: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường”.

 Vào đầu năm học nhà trường có trách nhiệm tổ chức họp tuyên truyền và cung cấp Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 cho cha mẹ học sinh trường được biết để thực hiện; đề nghị Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh các lớp có biên bản họp thống nhất tỷ lệ trích kinh phí Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp lên cho Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để hoạt động. Hình thức thu tự nguyện do Hội nghị toàn thể phụ huynh các lớp quy định thông qua phiếu đóng góp tự nguyện. Kinh phí đóng góp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường do Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường thu và quản lý sử dụng. Trường hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ nhà trường thu và giữ hộ phải có văn bản đề nghị.

Lưu ý: Không sử dụng khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ các hoạt động dạy học, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

1.2.2. Quỹ Đoàn, Hội, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

 Thu theo quy định hiện hành của các tổ chức có thẩm quyền ban hành. Tuyệt đối không được thu thêm hoặc thu cao hơn mức quy định. Khoản thu này do các tổ chức nêu trên quản lý thu, chi.

2. Các khoản thu tự nguyện phục vụ trực tiếp cho học sinh

Bao gồm các khoản thu không mang tính chất dịch vụ, khoản thu phi lợi nhuận trong nhà trường (theo nguyên tắc lấy thu đủ bù chi). Những khoản thu này trực tiếp phục vụ cho các nhu cầu ăn, nghỉ, sinh hoạt và học tập của học sinh trong thời gian học tập tại trường bao gồm:

 

2.1. Bảo hiểm tai nạn (Bảo hiểm thân thể học sinh)

 Đây là khoản thu tự nguyện, nhà trường tuyên truyền vận động để đông đảo học sinh tự nguyện tham gia. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm có uy tín trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện. Học sinh tham gia bảo hiểm phải cấp thẻ kịp thời và không được thu 2 năm liên tiếp.

2.2. Thu chi phục vụ bán trú và dạy học 2 buổi/ngày

a) Đối với giáo dục Mầm non

- Các khoản thu phục vụ học sinh bán trú (chỉ áp dụng đối với các trường mầm non có tổ chức cho học sinh ăn bán trú): Đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch, lập dự toán thu, chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trao đổi thống nhất với cha mẹ học sinh và thỏa thuận (bằng văn bản) tại cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp, trường.

- Các khoản thu phục vụ bán trú bao gồm:

+ Tiền ăn: Tính các chi phí (thực phẩm bữa chính, bữa phụ, chất đốt) để quy ra mức thu/ngày/học sinh nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng của các cháu; thu tiền ăn theo từng tháng trên cơ sở học sinh thực ăn .

+ Tiền thuê người nấu và quản lý buổi trưa: Tính các chi phí (trả công thuê người nấu, bồi dưỡng làm ngoài giờ cho cán bộ, giáo viên phục vụ, quản lý học sinh ăn, nghỉ buổi trưa) để quy ra mức thu/ngày/học sinh; Định mức chi tiền chăm sóc bán trú/giờ đối với giáo viên, nhân viên được phân công trực tiếp chăm sóc bán trú không vượt quá tiền lương 01 giờ dạy thêm giờ của người có mức lương trung bình trong nhà trường; tiền trách nhiệm quản lý bán trú chi cho cán bộ quản lý được phân công phụ trách không được cao hơn số tiền chi cho giáo viên trực tiếp chăm sóc bán trú có mức cao nhất;

Cơ sở giáo dục mầm non công lập không có nhân viên nấu ăn hưởng lương từ ngân sách và ở địa bàn không có cơ sở dịch vụ cung ứng việc nấu ăn cho trẻ thì được thuê khoán người nấu ăn, mức tiền công chi trả được thỏa thuận theo điều kiện cụ thể của địa phương;

Thực hiện thu tiền thuê người nấu và quản lý buổi trưa theo tháng trên tinh thần vì học sinh, không vì mục đích thương mại; định mức chi trả tiền thuê người nấu và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phải được quy định cụ thể, chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

+ Tiền điện phục vụ học sinh ăn, nghỉ buổi trưa: Tính các chi phí (điện thắp sáng, quạt mát) để quy ra mức thu/tháng/học sinh;

+ Tiền mua sắm vật dụng dùng chung phục vụ bán trú: Các tài sản như xoong, nồi, bếp ga, điều hòa... chỉ thu đối với học sinh mới tuyển vào trường. Các dụng cụ vật tư tiêu hao như xà phòng, rổ, nước rửa bát...thực hiện thu trên đầu học sinh ăn bán trú.

Những vật dụng cá nhân sử dụng trong năm (bàn chải, khăn mặt,...): Nhà trường thống nhất cụ thể với phụ huynh để lựa chọn cách thức trang bị cho phù hợp.

b) Đối với giáo dục tiểu học:

Thực hiện theo các nội dung thu, chi theo Quyết định số 570/QĐ-UBND, ngày 20/3/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, bán trú cấp tiểu học giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh cụ thể: 

Vào đầu năm học, UBND các huyện, thị xã, thành phố giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng ban có liên quan khảo sát thực tế các trường tiểu học trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, nội dung thu, chi và mức thu cụ thể phục vụ cho dạy học 2 buổi/ngày, bán trú của các trường tiểu học trực thuộc. Phòng Giáo dục và Đào tạo trình UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét quyết định mức thu, chi của từng đơn vị. Nhà trường triển khai thỏa thuận với cha mẹ học sinh để thực hiện trong năm học (Mức chi và khoản chi có thể áp dụng theo các nội dung đối với giáo dục Mầm non đã được nêu trên).

2.3. Thu tiền dạy ngày thứ 7 và tiền chi trả cho giáo viên dạy các lớp bán trú, nhân viên cấp dưỡng đối với các trường mầm non

- Việc thu tiền dạy ngày thứ 7: Thu theo sự thỏa thuận của nhà trường với Ban Đại diện cha, mẹ học sinh; mức thu để chi tiền dạy cho giáo viên không quá 150% một ngày lương của cô giáo dạy lớp đó;

- Thu chi trả cho giáo viên dạy các lớp bán trú, nhân viên cấp dưỡng đối với các trường mầm non, các đơn vị chỉ được phép thu khi nhà trường không đủ biên chế giáo viên, nhân viên cấp dưỡng; mức thu để chi tiền dạy cho giáo viên bán trú, nhân viên cấp dưỡng tính bằng 100% ngày lương bình thường (khoản thu này đơn vị phải có dự toán đảm bảo thu đủ chi tiền công cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng và được thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường).

2.4. Tiền nước uống tinh khiết phục vụ học sinh

 Do hội nghị toàn thể cha mẹ học sinh bàn bạc thống nhất mức thu, chi và quản lý; trong trường hợp Ban Đại diện nhờ nhà trường thu, chi hộ phải có văn bản đề nghị của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

2.5. Tiền mua ghế ngồi ở sân trường cho học sinh đầu cấp, mua bảng tên học sinh, mua đồng phục của học sinh

Các khoản thu này nhà trường quy định mẫu mã phù hợp và lập dự toán sát với giá thời điểm tại địa bàn và bàn bạc thông qua Hội nghị toàn thể cha mẹ học sinh để thống nhất thưc hiện.    

Mua đồng phục cho học sinh thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT, ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 6100/BGDĐT-CTHSSV ngày 6/9/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.6. Tiền thuê dọn vệ sinh

 Vệ sinh trong lớp và hành lang do học sinh đảm nhiệm để nâng cao ý thức cho học sinh tuyệt đối không được thuê lao công. Vệ sinh sân trường và nhà vệ sinh của học sinh, nhà trường bàn bạc thông qua Hội nghị cha mẹ học sinh để thống nhất thuê lao công trên cơ sở lập dự toán thu đủ chi trả tiền công thuê tuyệt đối không thu dư. Đơn vị nào đã được bố trí biên chế nhân viên vệ sinh thì không được thu.

2.7. Tiền chăm sóc cây xanh

Nhà trường bàn bạc thông qua Hội nghị cha mẹ học sinh để thống nhất thuê người chăm sóc cây xanh trên cơ sở lập dự toán lấy thu đủ chi trả tiền nhân công tuyệt đối không thu dư.

2.8. Tiền bảo vệ

 Trong trường hợp không có định biên (Hợp đồng 68) hoặc cơ quan tài chính không cấp đủ kinh phí trả tiền công bảo vệ tại các trường và điểm trường lẻ thì nhà trường bàn bạc thông qua Hội nghị cha mẹ học sinh thống nhất mức thu để chi trả tiền công cho bảo vệ trên cơ sở thu đủ chi không thu dư.

3. Đối với các khoản viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho và các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức hợp pháp, cá nhân thông qua các quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Đây là khoản thu xã hội hóa giáo dục)

Thực hiện đúng theo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT, ngày 10/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Công văn số 1766/SGDĐT-KHTC, ngày ngày 19  tháng 12  năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn triển khai việc tiếp nhận tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo tinh thần Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT (khi có Thông tư mới sửa đổi thực hiện theo Thông tư mới).

4. Về xã hội hóa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Trên cơ sở Quyết định số 1760/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, để đảm bảo tiêu chí số 5 về xây dựng trường học. Các xã trong danh sách hằng năm được nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. UBND các huyện chỉ đạo các xã nghiên cứu kỹ nội dung của Quyết định nêu trên để thực hiện huy động xã hội hóa đầu tư trường chuẩn quốc gia đảm bảo theo đúng quy định của Chương trình.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục phối hợp chỉ đạo việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước, đồng thời có hình thức xử lí nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những qui định trên.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng, Giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở nghiêm túc thực hiện hướng dẫn này.

3. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức quán triệt, phổ biến công khai nội dung văn bản này tới tất cả giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trong nhà trường. Các khoản thu được học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp trực tiếp tại bộ phận  Kế toán nhà trường, tuyệt đối không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu tiền.

Văn bản này thay thế Công văn số 1038/SGDĐT-KHTC ngày 31/7/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk về việc Hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2017 - 2018.

4. Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở và các đơn vị liên quan thực hiện:

- Xây dựng Kế hoạch, tổ chức kiểm tra thực hiện các khoản thu, chi hằng năm nhằm chấn chỉnh các khoản thu trái quy định

- Khi phát hiện có sai phạm trong lạm thu, chi phải kiên quyết xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng KHTC, ĐT: 02623854769) để được hướng dẫn, và phối hợp giải quyết./.   

                                                           

Nơi nhận:                                                                                             GIÁM ĐỐC                                                  

 - HĐND tỉnh (để báo cáo);                                                                     (Đã ký, đóng dấu)

 - UBND tỉnh (để báo cáo);                                                                 PHẠM ĐĂNG KHOA

- Ban VHXH HĐND tỉnh;                                                                 

 - Sở Tài chính (phối hợp, chỉ đạo);                                                   

 - Ban VHXH HĐNDT;

 - Giám đốc, P. Giám đốc Sở GDĐT;

 - UBND huyện (phối hợp, chỉ đạo);

 - Các phòng GDĐT (thực hiện);

 - Các đơn vị trực thuộc Sở, các cơ sở giáo dục trong tỉnh;

 - Các phòng ban thuộc Sở;

 - Đăng Website ngành;

 - Lưu VT, KHTC.